DÒNG SÔNG TRI THỨC
Chào mừng bạn đến với "vcdk08.forumvi.com".
Bạn hãy ủng hộ forum bằng cách đăng kí làm thành viên nhé! Việc đăng kí rất đơn giản và không cần phải kích hoạt!

Sau khi đăng kí, bạn hãy đăng nhập và tham gia post bài ngay! Mỗi bài viết của bạn là một đóng góp quý báu cho Vcdk08 Forum!

Chúc bạn một ngày vui vẻ!
DÒNG SÔNG TRI THỨC
Chào mừng bạn đến với "vcdk08.forumvi.com".
Bạn hãy ủng hộ forum bằng cách đăng kí làm thành viên nhé! Việc đăng kí rất đơn giản và không cần phải kích hoạt!

Sau khi đăng kí, bạn hãy đăng nhập và tham gia post bài ngay! Mỗi bài viết của bạn là một đóng góp quý báu cho Vcdk08 Forum!

Chúc bạn một ngày vui vẻ!
DÒNG SÔNG TRI THỨC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DÒNG SÔNG TRI THỨC


 
Trang Chínhdanh sách lớpGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Top posters
Admin (169)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
Truongap (38)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
ông Đồ (30)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
oliver (26)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
mic_pro (24)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
nyny (23)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
thanhtuando (21)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
bang lang tim (20)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
nhumama (19)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 
chutyeu (18)
THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_lcapTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_voting_barTHƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_vote_rcap 

Share | 
 

 THƠ MƠI VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
mthuynbk
Thành viên mới
Thành viên mới


Tổng số bài gửi : 1
Join date : 21/08/2013

THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA Empty
Bài gửiTiêu đề: THƠ MƠI VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA   THƠ MƠI  VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA I_icon_minitimeWed Aug 21, 2013 4:39 pm

Phong trào Thơ Mới ( 1932-1945) là một thành tựu xuất sắc của thơ ca Việt Nam trên tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc đầu thế kỷ XX. Chỉ trong khoảng mười lăm năm, thơ mới đã bước những bước dài với nhiều cách tân lớn , mở ra nhiều hướng đi phong phú với những phong cách độc đáo đạt đỉnh cao sáng tạo. Sự cuốn hút kỳ lạ của thơ mới đến từ nhiều góc độ. Đó có thể là cách biểu hiện phóng khoáng và tinh tế mọi nhịp điệu của cuộc sống trong thời đại mới, cũng là sự cách tân mới mẻ nghệ thuật thể hiện với những hình thức chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống, và cả việc mang lại cho thơ một lý tưởng thẩm mỹ mới... Một cách chung nhất, trào lưu này đã thực sự đưa thơ ca bước sang một trang mới với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc cả về nội dung, cảm hứng và hình thức nghệ thuật như một chặng đường vô cùng độc đáo có một không hai của văn học nước nhà.
Tuy nhiên, khi gọi tên trào lưu này là Phong trào Thơ Mới không có nghĩa là các nhà thơ và các nhà phê bình nhìn nhận và đánh giá nó trong sự đối lập với những thành công của thơ cũ, thơ ca cổ điển và xem nó hoàn toàn như là kết quả của sự học tập,chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây.Cách gọi này chỉ nhằm nhấn mạnh đến sự hiện đại hoá của thơ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX trong quá trình phát triển lâu dài của thơ ca Việt Nam.Thực chất, đây là một kết quả kỳ diệu của sự giao lưu, hội nhập với văn hoá phương Tây trên cơ sở nguồn mạch dồi dào thuộc về sức sống mãnh liệt của nền văn học dân tộc. Mặc dù ngay khi mới ra đời, các nhà thơ mới có chủ trương công kích lối thơ cũ để vận động cho một lối thơ mới nhưng thật ra họ chỉ phản ứng với những lề lối, cách thức thể hiện trong thơ không còn phù hợp với thời đại mới trong những sáng tác đương thời của một số thi sĩ thuộc thế hệ trước chứ không hề có ý phủ nhận toàn bộ nền thơ ca cổ điển. Trái lại, những tinh hoa của văn học truyền thống vẫn là một mạch ngầm thẳm sâu và vô cùng vững bền không ngừng làm phong phú thêm sức sống của thơ mới bên cạnh việc sáng tạo ra những giá trị mới khi bước ra một chân trời văn hoá rộng rãi hơn. Nhà nghiên cứu văn học Hà Minh Đức ở công trình “Một thời đại trong thi ca” cũng đã nhận định: “Thơ mới có nhiều nguồn, nhưng nguồn mạch chính vẫn nằm trong mạch văn của dân tộc”.Chính vì thế nên khi Hoài Thanh, Hoài Chân tìm hiểu những sáng tác đầu tiên của Xuân Diệu, người được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, hoặc là đại diện đầy đủ nhất của thơ mới, cũng đã nhận ra “người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng” và “Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta”( Thi nhân Việt Nam). Cái tình đồng hương ấy còn có thể là gì nếu không phải là tinh thần dân tộc vẫn đậm đà, sâu lắng trong thơ Xuân Diệu. Đó là dáng dấp của một cách cảm nhận, suy tư về con người, cuộc đời rất mực phương Đông, rất mực Việt Nam được soi rọi bởi những luồng ánh sáng văn hoá, triết học mới. Nhờ thế, Thơ Mới đã góp phần làm giàu có thêm vẻ đẹp của tiếng Việt trong khả năng diễn tả những cung bậc phong phú của tâm hồn con người như một sự phát huy truyền thống văn hoá . Đấy là chưa kể đến việc bên cạnh nhiều hướng tìm tòi phát triển đa dạng, phong phú,Thơ Mới còn rẽ ra một nhánh tìm về với văn hoá dân gian, với những tinh hoa văn hoá xưa cũ để đánh thức hồn dân tộc vẫn ẩn náu trong mỗi trái tim.
Nói như thế để thấy rằng Thơ Mới dù đã đạt được những thành công vượt trội, bứt phá so với thơ ca truyền thống thì điều đó vẫn nằm trong một quy luật phát triển có tính chất kế thừa những giá trị của quá khứ. Bởi vì bất kỳ một sự học tập, giao lưu nào trong văn hoá nếu không dựa trên một nền tảng vững chắc của bản sắc văn hoá dân tộc thì sẽ trở thành sự mô phỏng, bắt chước vụng về và hoàn toàn không có giá trị hiện đại theo đúng nghĩa. Vì thế, dù có nói  nhiều về tính hiện đại của thơ mới bao nhiêu thì cũng không thể không nói đến sự hiện diện của một tinh thần dân tộc đậm đà chưa bao giờ vơi cạn và chính nó đã tạo nên những cội rễ đảm bảo sự bền vững cho mọi giá trị hiện đại của thơ ca thuộc trào lưu này.Trong đó dòng cảm hứng hoài niệm về lịch sử đã tạo nên một dấu ấn đậm nét cho tinh thần dân tộc của thơ mới.
I/ VÌ SAO CÁC NHÀ THƠ MỚI LẠI HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG?
“Thời đại lãng mạn chính là thời đại cách mạng, thời đại của những hy vọng lớn và những thất vọng lớn”(Trần Đình Sử - Những thế giới nghệ thuật thơ).Những thay đổi lớn rung chuyển toàn bộ xã hội đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý, tư tưởng của mọi cá nhân mà trong đó mỗi con người bị hất ra khỏi những khuôn khổ quan hệ cố định để tự nhận chân thấy chính cái bản thể cá nhân của mình nhưng lại chưa thể tìm thấy vị trí của mình giữa một trật tự mới. Đó là thời đại mà con người ý thức đầy đủ về cái tôi lạc lõng, bơ vơ với những đợi chờ, mong mỏi vô định. Ở xã hội châu Âu thế kỷ XVIII- XIX, các cuộc cách mạng tư sản một mặt đã mang lại sự phát triển vượt bậc về khoa học và kinh tế đã làm thay đổi diện mạo chung của xã hội nhưng đồng thời cũng để lại sau nó sự thất vọng và bất bình sâu sắc đối với lối sống tư sản và nền văn minh tư sản nói chung.Đây chính là tiền đề tư tưởng xã hội cơ bản cho sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn. Hầu hết các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa đều nhận thấy có một sự trái ngược khó chấp nhận giữa ước mơ và cuộc đời thực tại sau cách mạng tư sản mà ở đó “mọi vật đều như khô cứng lại trong cái vỏ thấp hèn, ti tiện”( Viếcnhi). Bác bỏ cuộc sống tầm thường của xã hội văn minh tư sản , họ đã hướng đến một thế giới khác bằng ước mơ và tưởng tượng để chạy trốn khỏi hiện thực với những con đường thoát ly khác nhau và tất cả đều biểu hiện thái độ bất mãn sâu sắc với thực tại đương thời.Có con đường thoát ly xây dựng thế giới lý tưởng bằng những mơ ước sáng lạng hướng tới tương lai với hoài vọng về tự do, bình đẳng, bác ái. Cũng có những nhà văn hướng ngòi bút của mình về quá khứ ca ngợi cái lý tưởng trong các truyền thuyết và sáng tác dân gian, trong những thời đại lịch sử đã qua, trong sinh hoạt tập quán của các dân tộc, trong thiên nhiên tươi đẹp.Chính xu hướng này đã thể hiện rõ nét nhất tâm hồn dân tộc trong văn học lãng mạn ở mỗi đất nước.
Ở Việt Nam, từ những năm 1924-1930, dưới chính sách chèn ép, bóc lột của thực dân Pháp, đời sống nhân dân trong đó có giai cấp tiểu tư sản thành thị trở  nên vô cùng ngột ngạt. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1932 đã làm cho tình hình tồi tệ thêm để từ đó tâm lý chán chường, buồn rầu trước hiện thực đã nhanh chóng trở thành nét tâm lý chung phổ biến của cả thời đại. Bên cạnh đó, ở thân phận của người dân nô lệ, những người tiểu tư sản cũng đã đặt bao hy vọng lớn vào các phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX và cũng đã buồn đau, thất vọng khi các phong trào đó đều lần lượt thất bại. Đặc biệt là sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã kết thúc hẳn những phong trào dân chủ tư sản ở nước ta và sự khủng bố trắng của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930.Tất cả những biến động đó cộng với những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học lãng mạn phương Tây mà nhất là văn học lãng mạn Pháp đã góp thêm những điều kiện chín muồi cho sự phát triển của văn học lãng mạn Việt Nam.Cùng với văn xuôi lãng mạn, trào lưu Thơ Mới đã thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của văn học lãng mạn nói chung và những nét đặc thù riêng của văn học dân tộc mà thái độ phủ nhận thực tế, chạy trốn vào vương quốc ảo mộng là một biểu hiện rõ nét. Các nhà thơ mới đã tìm đến những con đường thoát ly thực tại khác nhau mà Hoài Thanh, Hoài Chân đã đề cập: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Như thế, sự hoài niệm về quá khứ lịch sử vừa là một xu thế thoát ly, vừa là một con đường thể hiện kín đáo nỗi lòng về vận nước của các nhà thơ mới.
II/ THƠ MỚI - SỰ HOÀI NIỆM VỀ MỘT QUÁ KHỨ LỊCH SỬ OANH LIỆT ĐÃ QUA.
1/ Nỗi niềm hoài nhớ về quá khứ oanh liệt của dân tộc:
Lịch sử dân tộc Việt Nam là một lịch sử đấu tranh oanh liệt với một tinh thần dân tộc hùng tráng. Tinh thần ấy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong văn học dân tộc. Và giờ đây, trước hiện thực bi thương, tối tăm của đất nước, các thi sĩ đã khơi dòng thời gian tìm về hoài niệm với những dĩ vãng xa xưa ca ngợi truyền thống dân tộc như để gửi gắm tấc lòng sâu kín của mình. Tình cảm ấy không phải một lần đã tha thiết vang lên trong thơ Trần Huyền Trân:  
“Chẳng nghe đỏ khé sông Hồng
Sóng ngàn xưa vẫn đọng lòng ngàn sau
Chẳng nhìn bóng đá thâu thâu
Non Lam như kẻ gục đầu còn thương”
          ( Độc hành ca)
Hình ảnh sông Hồng, non Lam như những chứng nhân lịch sử gợi nhắc ngàn sau về quá khứ của dân tộc mình. Ẩn trong mạch ngầm của nước, của đá tưởng chùng vô tri là hồn thiêng sông núi, là tiếng vọng ngàn xưa của khí phách cha ông vẫn hiển hiện quanh ta như nhắc nhở nỗi lòng những người đang sống. Người đọc cũng có thể cảm nhận sâu sắc tình cảm tự hào dân tộc mang tinh thần bi tráng ấy qua hình tượng một chúa sơn lâm sa cơ trong thơ Thế Lữ:
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
( Nhớ rừng – Thế Lữ)
Có lẽ bất cứ người dân Việt nào cũng có thể nhận thấy thấp thoáng hình ảnh dân tộc mình trong một quá khứ huy hoàng ,rạng rỡ ngày xưa. Nỗi lòng u uất, nhớ tiếc khôn nguôi của con hổ cũng đã nhanh chóng tìm được niềm đồng cảm rộng rãi với tiếng lòng thời đại. Nỗi lòng ấy thật đáng quý biết bao trong những tháng ngày đen tối của dân tộc.
Tuy nhiên, ta có thể nhận thấy rằng tinh thần tự hào hướng về truyền thống lịch sử trong Thơ Mới bị hạn chế rất nhiều bởi những lý do khác nhau mà trước hết phải kể đến sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền thực dân trong lĩnh vực văn hoá. Điều đó khiến cho không một nhà Thơ Mới nào dám công khai ca ngợi hào khí dân tộc với tinh thần trực tiếp đấu tranh với chính quyền thực dân. Hầu hết họ đều buộc phải kín đáo bộc bạch nỗi lòng qua những đề tài, hình tượng bóng gió xa xôi. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận một tâm lý bi quan về tương lai dân tộc trước tình hình bi thương hiện tại nên tình cảm dân tộc trong Thơ Mới thường thiên về khuynh hướng tiếc nuối, xót xa hoài niệm về quá khứ mang tinh thần bi tráng.Nhưng dù thế thì những vần thơ mang cảm hứng lịch sử vẫn tạo ra được những vọng âm sâu sắc đối với người đọc, người nghe, thức tỉnh trong mỗi trái tim những tình cảm dân tộc thật đáng quý.
Trong phong trào Thơ Mới, Chế Lan Viên nổi lên như “một niềm kinh dị”. Với hình tượng một vương quốc Chàm xa xưa trong tập Điêu Tàn, nhà thơ như kín đáo thổ lộ nỗi đau xót của mỗi người dân Việt về đất nước mình.Hình ảnh những tháp Chàm “gầy mòn vì mong đợi” đã trở thành những ám ảnh khôn nguôi trong tâm hồn cậu bé mười bảy tuổi để từ đó kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng về hai thế giới đối lập nhau của một vương quốc Chàm lộng lẫy xa xưa và những đổ nát theo thời gian của hiện tại.Trong thế giới nghệ thuật ấy, tác giả đã nhớ lại cả một thời xưa huy hoàng, rực rỡ lúc dân tộc còn tự do.  
“ Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm Quốc
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng,
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.”
( Trên đường về - Chế Lan Viên)
Đâu chỉ là những cảnh thái bình tươi sáng, tuyệt mỹ, Chiêm quốc xa xưa còn là hình ảnh của một khí phách dân tộc bất khuất  :
“Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận,
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn”.
( Trên đường về - Chế Lan Viên)
Và cả những khung cảnh huy hoàng của chiến thắng gợi nhớ về một dân tộc hùng mạnh từng là niềm tự hào của muôn dân Hời:
“Nơi một sáng Đồ Bàn vang tiếng hát
Muôn binh Chàm thắng trận trở quân về,
Đàn chiến tượng, trong hương trầm man mác
Cùng oai hùng, lặng lẽ, nặng nề đi.”
(Chiến tượng – Chế Lan Viên)
Và giờ đây là những hoang tàn, đổ nát làm não lòng người trong một nỗi nhớ tiếc đầy bi ai:
“Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi
         Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian
        Những sông vắng lê mình trong bóng tối
    Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than”.
( Trên đường về - Chế Lan Viên)
Lòng hoài niệm, xót xa như trĩu nặng từng bước chân chiến tượng “trên lưng chiếc bành không vắng vẻ”, “mắt mờ sau màn lệ” ngay trên mảnh đất hoang tàn của quê hương đất nước mình. Hình ảnh ấy mang một vẻ đẹp diễm lệ trong những nỗi buồn đau cao cả:
“Bên sông vắng voi Chàm thôi cất bước
 Để hồn trôi theo sóng đến trời xa,
     Đến trời xa, nơi gió vàng tha thướt.
         Bên lâu đài lặng ngủ dưới sương mờ.”
(Chiến tượng – Chế Lan Viên)
Nỗi buồn thương nhớ tiếc còn tràn ngập lòng người trong nỗi u hoài của người dân mất nước:
“Những cảnh ấy Trên Đường Về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập
Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời.”
( Trên đường về - Chế Lan Viên)
Cái mất mát không phải là số phận của một cá nhân mà là cả đất nước Chàm. Mượn hình ảnh một Chiêm quốc để khóc than là tỏ bày nỗi niềm của toàn dân tộc Việt, để thức tỉnh lòng người mang lại một âm hưởng mới cho tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc thời đại. Tiếng khóc ấy của Chế Lan Viên đã tìm được niềm tri kỉ trong tâm hồn người đọc đương thời như chính nhà thơ từng nói: “ Điêu tàn có riêng gì nước Chiêm Thành của tôi đâu. Kia kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương vang vỡ dội thấu đáy tâm hồn tôi”
Cùng với Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương cũng là một thi sĩ hay hoài niệm về quá khứ.Niềm hoài vọng về lịch sử dân tộc lại ẩn đi sau một hình tượng xa xôi hơn, một dân tộc Mông cổ đã  từng hùng mạnh trong quá khứ trên đất nước Trung Hoa:
“Đáy cốc bao la vạn vực sầu
Ngai vàng Mông Cổ ngự đêm nâu
Hãy nghe bão táp trong cô tịch
Vó ngựa dân Hồi dẫm đất Âu

Thuyền chiến nằm mơ cuộc viễn chinh
Buồm neo rời rạc bến u minh
Đâu đây oằn oại trong làn khói
Lớp lớp uy nghi Vạn Lý Thành”
                                              ( Hơi tàn Đông Á – Vũ Hoàng Chương)
Cảnh tượng chiến chinh trên một đất nước xa xôi trong lịch sử đã đi vào thơ Vũ Hoàng Chương với những vẻ thê lương, buồn thảm nhưng cũng chính nó đã góp phần khơi gợi liên tưởng sâu sắc đến những trang sử hào hùng của chính dân tộc mình và như thế rõ ràng cũng đã cất lên tiêng nói cổ vũ cho con người lòng yêu nước thương nòi.
Đặc biệt nhất là tiếng thơ của Phạm Huy Thông, lời thơ hùng tráng một thời. Nhà thơ chưa thật thành công khi viết về hiện tại nhưng dường như ông sinh ra là để tái hiện lịch sử qua tiếng nói thơ ca. Ngòi bút Huy Thông không những đã dựng lại được sinh động các sự kiện lịch sử mà còn có thể thổi vào đấy những tâm tình thiết tha của con người đương thời về quá khứ.Trong thi phẩm “Huyền Trân công chúa”, nhà thơ đã đồng cảm sâu sắc với mối tình duyên của Huyền Trân và Trần Khắc Chung bằng nỗi niềm của người dân mất nước. Cuộc chia ly với non nước cộng hưởng với cuộc chia ly giữa hai trái tim làm cho câu chuyện lịch sử thêm não nùng:
“ Công chúa đã đi rồi non nước hỡi
Hỡi gió nặng tầng cao, cao tiếng thổi
Lời vang như hú bão giữa kinh thành
Còn đợi chờ chi nữa cái mênh mông”
                   ( Huyền Trân công chúa – Huy Thông)
Âm hưởng buồn thương của câu chuyện tình yêu tan vỡ mang tầm lịch sử đã hoà cùng nỗi đau chua xót của con người khi ngẫm nghĩ về hiện trạng non nước mình để từ đó chất chứa thêm nỗi niềm thống thiết của nhân tâm thời đại. Thơ Huy Thông cũng có bóng dáng những tình yêu lãng mạn nhưng mạch cảm xúc cơ bản nhất làm nên cái chất riêng của hồn thơ Huy Thông là chất hùng tráng, một âm hưởng khá độc đáo của thơ ca đương thời.Chất hùng tráng ấy được gợi ra từ đề tài lịch sử, từ những danh tướng với chiến tích lẫy lừng trên chiến trận, những khát vọng cao cả và những nỗi đau lớn lao của sự nghiệp anh hùng. Nhà thơ ca ngợi và hoà lòng mình với Hạng Vũ Sở Bá Vương:
“Nén thương đau, Vương ngậm ngùi sẽ kể
Niềm ngao ngán vô biên như trời bể.
Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn
Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn!
Ôi Những trận mạc khiến trời long đất lở!
Những chiến thắng tưng bừng, những vinh quang rực rỡ!
Ôi! Những võ công oanh liệt chốn sa trường!
Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương!
Những tướng dũng bị đầu văng trước trận...!
Nhưng, than ôi! Vận trời khi đã tận,
Sức lay thành, nhổ núi mà làm chi?”
                                                              ( Tiếng địch sông Ô – Huy Thông)
Đau thương, bi thảm nhưng hùng tráng biết bao! Như chính Hoài Thanh , Hoài Chân từng nhận định: “Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường, anh hùng ca của Vich to Huy gô tưởng cũng chỉ đến thế”. Dường như qua sự hoài niệm về những mất mát, đau thương lớn của lịch sử, nhà thơ như muốn con người mạnh mẽ hơn trước hiện tại, để không bao giờ tự huỷ hoại mình một cách tầm thường. Trong thời kỳ thoái trào của tâm lý dân tộc, những tình cảm lớn ấy có thể góp phần nhen lên ít nhiều ngọn lửa trong những tâm hồn đã nguội lạnh đi vì sợ hãi và nhu nhược.
Nhìn chung tuy có những hạn chế nhất định vì những điều kiện lịch sử khác nhau nhưng rõ ràng tình cảm hoài niệm về lịch sử của Thơ Mới đã chứng tỏ một tinh thần dân tộc sâu sắc chưa bao giờ nguội lạnh trong trái tim những trí thức tiểu tư sản đã tạm  thoát ly đấu tranh chính trị. Nó là nỗi lòng tiếc nuối một quá khứ tươi đẹp đã qua, là tiếng khóc đau đớn trước thực tại và cũng là ước mơ, nguyện vọng sâu kín của mỗi người về dân tộc mình.Như Tố Hữu từng nói: “Trong tâm hồn các anh lúc đó, tôi tìm thấy những nỗi băn khoăn đau buồn của những người cùng thế hệ, đòi hỏi tự dân, ước mơ hạnh phúc, tuy các anh chưa tìm thấy lối ra và nhiều khi rơi vào chán nản”. Trong tâm lý hoài niệm ấy, những biểu tượng đẹp đẽ nhất của một thời vang bóng đã qua luôn được nhắc đến với một cảm xúc ngưỡng mộ mãnh liệt như là sự kí thác những khát khao của hiện tại.Ở đó, hình tượng người tráng sĩ một đi không trở lại như là sự bắt nhịp độc đáo và kì diệu với cảm hứng hoài niệm về lịch sử tạo nên sự đồng điệu sâu sắc trong tâm thức mọi người.
2/Hình tượng người tráng sĩ trong Thơ Mới:
Sống trong một giai đoạn bi thương của dân tộc, khi tiền đồ tổ quốc tối tăm, các thi sĩ luôn ôm ấp trong lòng niềm đau đớn khôn nguôi, niềm căm phẫn bi thiết và cả những khát vọng mãnh liệt không bày tỏ được mà chỉ đành kí thác vào thơ. Do đó, hình tượng người tráng sĩ trong quá khứ là ánh hồi quang sáng lạng về vẻ đẹp oai hùng của  lịch sử  để các nhà thơ chiêm ngưỡng, hoài niệm. Họ là hình ảnh đẹp nhất về lý tưởng và khát vọng của con người trong xã hội phong kiến. Từ cảm hứng đó, hình tượng người tráng sĩ trong Thơ Mới vừa hiện lên lung linh như huyền thoại mang hào khí của đấng nam nhi thời loạn trong văn học cổ vừa phảng phất âm hưởng mới mẻ của thơ ca lãng mạn:
“ Vó ngựa trập trùng lên ải Bắc
Tuyết sương lạnh lẽo giá râu mày
Gươm thiêng lấp lánh bên lưng nhẹ
Ngựa hí vang lừng trận gió mây”
(Trông chồng – Thái Can)
Thái Can đã mượn những chữ, những cách nói của người xưa để gửi lòng mình vào đó. Những câu thơ đã phác hoạ hình ảnh người tráng sĩ lưng đeo gươm, cưỡi ngựa lên ải bắc trập trùng, lạnh lẽo vừa đậm chất cổ điển vừa mang mang một nỗi sầu vương nhẹ trong một thứ nhạc điệu nhịp nhàng rất riêng của thơ mới.Vẻ đẹp ấy khiến cho mây nước ngừng trôi, say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp người tráng sĩ trong một giấc mơ hoài cổ của Lưu Trọng Lư:
“ Chiều sương rừng tía lệ muôn hàng
San sát nghe đầy bến Trúc Lang
Cây nước say theo người tráng sĩ
     Con đò quên cả chuyến sang ngang”
                                         ( Chiều cổ - Lưu Trọng Lư)
Một chiều sương huyền diệu u buồn như ngưng đọng, ngẩn ngơ ru lòng người mơ theo một giấc mơ hoài cổ. Hình ảnh người tráng sĩ là tâm điểm của giấc mơ với bao vẻ đẹp cổ kính đưa hồn ta về những bến bờ xa xăm của dĩ vãng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng tráng của một thời xưa cũ. Nhưng có lẽ điều tạo được sức vang động sâu xa  và niềm cảm phục sâu sắc nhất với người đọc đương thời là tầm vóc của những khát khao trong hình tượng người tráng sĩ. “Giấc mộng Lê Đại Hành” của Phạm Huy Thông là lời bày tỏ giấc mộng lớn của con người thời đại qua ý chí cá nhân của một anh hùng lịch sử với khát vọng vươn tới những chân trời xa:
“ Ta sẽ đưa binh Nam đi vùng vẫy
Khắp bốn phương trời đất mịt mù tăm
Bầu trời mênh mông chuyển động tiếng loa gầm
Tiếng gươm ca, tiếng trống hời ngựa hí
Binh Nam quốc như hải triều kiêu hãnh
Sẽ cuốn theo cùng cát phủ, cùng mây nhanh, cùng gió mạnh”
( Giấc mộng Lê đại Hành – Huy Thông)
Giấc mơ vẫy vùng bốn cõi của khách chinh phu thuở trước như hoà điệu hồn với khát khao được ra đi, được thay đổi để thoát khỏi cảnh sống chật hẹp, tù túng với bao thất vọng chua chát của con người hiện tại. Người ta tìm thấy trong khát vọng dời non lấp bể của chí làm trai một vẻ đẹp thật mạnh mẽ để mơ ước, để ngưỡng vọng và để tạm thoát ly khỏi thực tại nên những hình ảnh ấy quả thực đã có một sức hút mạnh mẽ đối với người đọc đương thời.Cũng trong dòng chảy của những khát khao lịch sử ấy, hình tượng những anh hùng trong quá khứ đã hoà chung với những tấm gương anh hùng của thời hiện tại.Rất nhiều nhà thơ mới như Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử đều có cảm tình với người chí sĩ Phan Bội Châu và cuộc đời đấu tranh nhiệt huyết nhưng cũng đầy đau thương của ông cũng trở thành cảm hứng thơ của họ. Hàn Mặc Tử đã viết “ Đêm khuya tự tình với sông Hương” để tâm sự với ông già bến Ngự.Còn Huy Thông thì ca ngợi Phan Bội Châu qua hình ảnh con voi già từng một thời dũng mãnh xông pha và đến giây phút cuối cùng vẫn kêu lên  những tiếng kêu vang động lòng người:
“ Tiếng giã từ núi cao cùng sông rộng
Chào rừng xanh với bầu trời lồng lộng
Gọi linh hồn hùng vĩ của loài voi
Voi tưởng một mình mình biết mà thôi
Có hay đâu gió xuyên sơn lừng lẫy
Đã than lại lời than đau đớn ấy
                                                    Đã khiến cho ở chốn mịt mùng xa
Tấm lòng ta thổn thức ở voi già”
                                       ( Con voi già- Huy Thông)
Vẻ đẹp hào hùng nhưng cũng thật lãng mạn ấy tiếp tục được khai thác với nhiều xúc cảm thẩm mỹ mới. Đó có thể là hình ảnh một khách chinh phu lên đường theo tiếng gọi nước non không quản phong trần, gian khó:
“ Ta là một khách chinh phu
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ
Mã lợt bốn phương trời nắng gội
Phong trần quen biết mặt âu lo”
( Tiếng gọi bên sông – Thế Lữ)
Hình tượng tráng sĩ với phong thái trượng phu mang âm hưởng cổ điển ấy đã được bổ sung bằng nhiều nét đẹp tâm hồn thật nhân văn dưói một cách cảm nhận mới mẻ về con người của chủ nghĩa lãng mạn. Họ có những phút giây chạnh lòng thật gần gũi và cảm động:
“Năm năm theo tiếng gọi lên đường
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương
Mấy lúc thẩn thờ trông trở lại
Để lòng mơ tới bạn quê hương”
                                                                                       ( Giây phút chạnh lòng – Thế Lữ)
Những xao động riêng tư ấy đã làm cho hình tượng trở nên thấm đẫm tình đời, không còn quá lý tưởng, xa vời như những đấng anh hùng trong văn học cổ. Đặc biệt, hoà trong mạch cảm xúc ấy, nhà thơ Thâm Tâm đã góp vào Thơ Mới một chân dung tráng sĩ thật độc đáo, khó quên. Đó là một đấng nam nhi quyết tâm gạt bỏ tình riêng vì chí lớn :
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong”
                                                                                      ( Tống biệt hành- Thâm Tâm)
Và cũng thật đáng quý biết bao trong những lưu luyến, nhớ mong đầy nhân văn của bản thể con người:
Người đi ? Ừ nhỉ, người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay                                                                                                                                                            
                                     ( Tống biệt hành- Thâm Tâm)
Tư thế ra đi thật cứng cỏi, giọng thơ có vẻ dứt khoát nhưng vẫn không giấu nỗi những đau đớn, li khách như gồng mình lên để dằn lòng dứt áo ra đi nên dù người đi thật thì vẫn nguyên vẹn trong sâu thẳm lòng người những níu kéo, vấn vương của những thâm tình riêng tây rất mực đời thường. Cái  hay của hình tượng là không chỉ đã làm sống dậy những vẻ đẹp xưa cũ mà đã tạo nên một chất lượng thẩm mĩ mới bởi chiều sâu nhân đạo trong cách khám phá con người.
Hình ảnh người khách chinh phu, người tráng sĩ trong thơ mới có nhiều nét tương đồng với các nhân vật Dũng, Thái, Trúc trong “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh và Quang Ngọc, Phạm Thái trong “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng... Đó là những con người ôm ấp những giấc mộng lớn nhưng không tìm được hướng đi giữa cuộc đời. Không làm được anh hùng trong cuộc đời thì làm anh hùng trong giấc mộng. Nên hình tượng những con người anh hùng kia là cách mà các nhà thơ mượn những hoài niệm đẹp đẽ về quá khứ đã được thi vị hoá bằng trí tưởng tượng để thực hiện giấc mộng thoát ly của con người thời đại.Vì thế trong nhiều thi phẩm, người đọc cũng có thể bắt gặp hình tượng tráng sĩ dưới một bóng dáng khác, khách giang hồ chỉ với mơ ước được ra đi  như một cái nghiệp của đời mình:
“ Thôi rồi ra chốn nước non
Lầu son lại để sổ con chim lồng
Thú hồ bể quyến mời du tử
Niềm thê nhi không giữ được lời
Biết sao trái được tính trời
Giang hồ kiếp ấy trọn đời phiêu linh”
                                                       ( Giang hồ - LưuTrọng Lư)
Đi hay sống đời giang hồ lãng tử không phải vì động lòng bốn phương như Từ Hải hay thoả chí tang bồng như các hào kiệt xưa. Ở đấy giấc mộng ra đi cốt chỉ để tìm thấy những cảm giác mới, những sự thay đổi như là một thái độ phản kháng, bất bình đối với thực tại xã hội đương thời. Đó là những cái tôi luôn cảm thấy lòng mình cô đơn trong cảnh lạc loài của những kẻ “thiếu quê hương”(Nguyễn Tuân), những người con bơ vơ ngay trên đất mẹ. Bởi thế những cuộc phiêu bạt giang hồ trong tưởng tượng chỉ có thể làm khuây đi trong phút chốc cái ngột ngạt, tù túng trong cuộc sống hiện tại trong khi ở nơi sâu xa nhất con người vẫn ý thức được những bế tắc của mình:
“Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự
Hài cỏ gươm cùn ta đi đây

Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi!”
(Hành phương Nam – Nguyễn Bính)
Điều đó báo hiệu một sự xuống dốc của những hình tượng chinh phu, tráng sĩ trong thơ mới sau này. Vì giấc mộng càng cao, ước vọng càng lớn thì sự thất vọng càng sâu sắc. Nhưng với tất cả những vẻ đẹp của mình, hình tượng tráng sĩ thực sự đã làm nên một điểm nhấn đặc sắc trong thế giới nghệ thuật của thơ mới bằng một bản sắc dân tộc rất riêng khi hướng về quá khứ lịch sử để cảm khái trong nỗi buồn của cả một thế hệ mới đồng thời cũng để gửi gắm một tâm sự yêu nước chân thành.
Đã từng có thời kỳ giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam có những đánh giá sai lệch về Thơ Mới khi cho rằng  xu thế thoát ly thực tại tìm vào mộng tưởng của các nhà thơ mới là bi quan, yếm thế thậm chí là tiêu cực. Đến nay, sau rất nhiều công trình nghiên cứu khách quan và toàn diện với một tư duy đổi mới, những giá trị tích cực của Thơ Mới đã được khẳng định và tôn vinh xứng đáng. Trước hết cần phải thấy rằng tinh thần thoát ly của các nhà thơ mới là sự phản ánh một tâm lý bế tắc, mất phương hướng về lý tưởng của những trí thức tiểu tư sản yêu nước, giàu tâm huyết với dân tộc nhưng bất lực trước thế cuộc đau thương trong tâm trạng “đau đời có cứu được đời đâu”(Các vị La hán chùa Tây Phương - Huy Cận). Trong bi kịch ấy, họ dồn tinh lực vào tình yêu tiếng Việt, vào việc gìn giữ di sản văn hoá của cha ông, vào việc chấn hưng nền văn học dân tộc như một con đường để thể hiện vai trò của mỗi cá nhân với sự tồn vong của đất nước. Như tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã mượn lời ông chủ báo Nam Phong để nói hộ tiếng lòng của cả một thế hệ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”(Một thời đại trong thi ca- Hoài Thanh, Hoài Chân).Như vậy đóng góp lớn nhất của phong trào Thơ Mới là đã xây dựng được một nền thơ ca hiện đại trên cơ sở phát huy những tinh hoa của văn học truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển mà ở đó ý thức gìn giữ vốn quý văn hoá của cha ông đã trở thành động lực mạnh mẽ. Do vậy, dù cho trong hoàn cảnh ấy các nhà thơ mới chưa thể đi theo cách mạng mà tìm kiếm những con đường thoát ly khác nhau thì với nội dung hoài niệm về lịch sử và văn hoá truyền thống họ đã trăn trở tìm về với nguồn cội dân tộc như về với những gì thiêng liêng nhất để giữ cho lòng người không chao đảo, hụt hẫng, “để vin vào những gì bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai”(Một thời đại trong thi ca- Hoài Thanh, Hoài Chân). Nó là một thực chứng hùng hồn về sức sống của văn hoá dân tộc trong tâm hồn người Việt, trong nền văn học Việt.
Về Đầu Trang Go down
 

THƠ MƠI VÀ SỰ HOÀI NIỆM VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 

 Similar topics

-
» Hội làng - Tô Hoài
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DÒNG SÔNG TRI THỨC :: VCDK08 ONLINE :: Tư liệu văn học :: Tài liệu thi tốt nghiệp-
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất