DÒNG SÔNG TRI THỨC
Chào mừng bạn đến với "vcdk08.forumvi.com".
Bạn hãy ủng hộ forum bằng cách đăng kí làm thành viên nhé! Việc đăng kí rất đơn giản và không cần phải kích hoạt!

Sau khi đăng kí, bạn hãy đăng nhập và tham gia post bài ngay! Mỗi bài viết của bạn là một đóng góp quý báu cho Vcdk08 Forum!

Chúc bạn một ngày vui vẻ!
DÒNG SÔNG TRI THỨC
Chào mừng bạn đến với "vcdk08.forumvi.com".
Bạn hãy ủng hộ forum bằng cách đăng kí làm thành viên nhé! Việc đăng kí rất đơn giản và không cần phải kích hoạt!

Sau khi đăng kí, bạn hãy đăng nhập và tham gia post bài ngay! Mỗi bài viết của bạn là một đóng góp quý báu cho Vcdk08 Forum!

Chúc bạn một ngày vui vẻ!
DÒNG SÔNG TRI THỨC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DÒNG SÔNG TRI THỨC


 
Trang Chínhdanh sách lớpGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Top posters
Admin (169)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
Truongap (38)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
ông Đồ (30)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
oliver (26)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
mic_pro (24)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
nyny (23)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
thanhtuando (21)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
bang lang tim (20)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
nhumama (19)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 
chutyeu (18)
TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_lcapTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_voting_barTÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_vote_rcap 

Share | 
 

 TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 169
Join date : 30/04/2011
Age : 34
Đến từ : Thăng Bình

TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami Empty
Bài gửiTiêu đề: TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami   TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami I_icon_minitimeTue May 10, 2011 8:14 am


Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể tin chắc được rằng đem chuyện tập-kích tiệm bánh mì kể lại cho vợ tôi nghe là một lựa chọn đúng hay không. Có lẽ đó là một vấn đề không thể nào phán định được trên cơ chuẩn đúng sai. Bởi lẽ trên đời nầy có những lựa chọn sai mang đến kết quả đúng, mà cũng có những lựa chọn đúng mang đến kết quả sai. Để tránh tính cách bất-hợp-lý (tôi nghĩ dùng từ nầy cũng không sai lắm) ấy, thiết yếu phải giữ lập trường "thực tế, chúng ta chẳng lựa chọn gì ráo cả"; và đại khái thì tôi vẫn sống như thế. Việc gì đã xảy ra thì đã xảy ra rồi, còn việc gì chưa xảy ra thì chưa xảy ra, thế thôi. Từ lập trường ấy mà suy xét sự đời, thì rõ ràng là dù gì đi nữa, tôi cũng đã đem chuyện tập-kích tiệm bánh mì mà kể lại cho vợ tôi nghe mất rồi. Chuyện kể lại thì đã kể lại rồi, mà sự kiện gì xảy ra sau đó thì cũng đã xảy ra mất rồi. Và sự kiện ấy, nếu có bị nhìn là kỳ quái trong mắt người ta, thì tôi nghĩ cần phải truy cập một cách thích đáng về nguyên nhân của nó trong toàn bộ trạng huống phát sinh bao quát của sự kiện. Nhưng mà cho dù tôi có suy nghĩ cách nào đi nữa, cũng chẳng thay đổi được gì. Chỉ thuần là một lối suy nghĩ thế thôi, không hơn không kém.

Tôi đã đem chuyện tập-kích tiệm bánh mì kể lại cho vợ tôi nghe, chỉ từ một sự tình cờ không đáng gì. Chẳng phải tôi rắp tâm từ trước sẽ kể chuyện ấy, hay lúc bấy giờ chợt nhớ ra mà bắt đầu kể lể: "À, có chuyện nầy...". Ngay chính tôi, cho đến khi vọt miệng ra mấy chữ "tập-kích tiệm bánh mì" trước mặt vợ tôi, tôi cũng đã hoàn toàn quên khuấy đi mất rằng ngày trước, mình đã có lần tập-kích tiệm bánh mì.

Lúc ấy, nguyên do làm tôi nhớ lại chuyện tập-kích tiệm bánh mì là cảm giác đói bụng đến mức không thể nào chịu nổi. Đúng vào thời điểm 10 giờ đêm. Tôi và vợ tôi đã ăn bữa tối nhẹ lúc 6 giờ chiều, đến 9 giờ 30 là chui vào chăn, nhắm mắt ngủ. Thế mà chẳng hiểu sao đến giờ ấy, cả hai lại cùng thức giấc. Mở mắt dậy một lúc xong là cảm thấy một cơn đói mãnh liệt ào đến như luồng bão lốc trong phim "Phù Thủy Xứ Oz" 1. Cơn đói tàn bạo khốc liệt đến phi lý.

Khổ nỗi, trong tủ lạnh lại chẳng còn một thứ gì có thể gọi là thức ăn. Chỉ có một chai dầu trộn xà-lách, sáu lon bia, hai củ hành tây đã khô cằn, miếng bơ và bao-hút-mùi. Mới kết hôn đâu được hai tuần, tụi tôi chưa thiết lập rõ ràng nhận thức chung về chuyện ăn uống, bởi khoảng ấy, cả hai có hàng trăm thứ cần phải xác-lập trong đời sống chung.

Dạo ấy, tôi làm việc trong một văn phòng luật sư, còn vợ tôi làm thư ký ở một trường dạy tạo mẫu thời trang. Tôi khoảng 28, 29 gì đấy (lạ thật, không hiểu sao tôi không thể nào nhớ chính xác được năm mình đã kết hôn), vợ tôi kém tôi 2 năm 8 tháng. Sinh hoạt của cả hai đều vô cùng bận rộn, lẫn lộn chồng chất cứ như là mê cung hang động lập thể, nên không còn tâm trí đâu mà để ý đến việc chuẩn bị thức ăn thức uống.

Hai vợ chồng rời giường vào phòng ăn, chẳng làm gì cả mà cũng ngồi vào bàn ăn, đối mặt nhau. Bụng đói quá không sao ngủ lại được, ngay cả khi vừa ngã người nằm xuống đã xót bụng lắm rồi, mà có tỉnh táo khi bụng đói quá thế nầy thì cũng chẳng làm gì được. Cơn đói khốc liệt đến mức chẳng hiểu tại sao, hay từ đâu đến.

Với niềm hy vọng tìm cọng rơm bám vào cho khỏi chìm, hai đứa thay phiên nhau vài lần mở tủ lạnh lục tìm, nhưng những thứ bên trong vẫn chỉ có thế. Vẫn chỉ là bia, củ hành, bơ, dầu trộn xà-lách, bao-hút-mùi. Cũng đã nghĩ đến trò củ hành chiên bơ đấy, nhưng chỉ hai củ khô cằn ấy thì chẳng làm sao đánh lừa được hai cái dạ dày trống rỗng nầy. Hành tây là thứ dùng để xào nấu kèm theo với thức gì đấy, chứ tự nó đâu phải là thức ăn cho no bụng được.

"Bao-hút-mùi chiên với dầu trộn xà-lách thì sao nhỉ?" Đề nghị đùa của tôi quả nhiên rơi vào khoảng không im lìm.

"Hay là mình lấy xe đi tìm quán ăn mở suốt đêm xem sao". Tôi nói. "Ra quốc lộ thế nào cũng có vài quán ấy."

Nhưng vợ tôi phủ quyết ngay, bảo là không thích đi ăn ngoài vào giờ ấy.

"Quá nửa đêm rồi mà còn đi ăn ngoài thì không ổn tí nào". Nàng bảo. Về mặt ấy thì nàng rất là nệ cổ.

"Ừm, có lẽ thế thật". Tôi nói, sau một nhịp thở.

Có lẽ lắm cặp tân hôn khác cũng thế, ý kiến (hay chủ thuyết) như thế của vợ tôi nghe như là lời khải-thị trong tai tôi. Nghe vợ tôi phán như thế xong, tôi cảm thấy cơn đói đang làm khổ mình ấy là một thứ bệnh đói đặc thù không được chữa trị một cách tùy tiện bằng các quán ăn mở suốt đêm dọc theo quốc lộ.

Bệnh đói đặc thù ấy là thứ gì? Tôi có thể trình bày nó bằng hình ảnh như thế nầy: 1. tôi đang ở trong một chiếc thuyền trôi nổi trên mặt biển yên tĩnh, 2. nhìn xuống nước thì thấy có đỉnh nhọn của ngọn núi lửa ở đáy biển, 3. mặt nước có vẻ không xa đỉnh núi lửa bao nhiêu, tuy cự ly chính xác thì không rõ, 4. bởi lẽ nước biển trong suốt thái quá đến độ không thể có cảm giác khoảng cách chính xác được.

Đại khái là hình ảnh như thế đã hiện lên trong trí tôi trong khoảng hai hay ba giây từ lúc nghe vợ tôi nói không muốn đi thứ quán ăn mở suốt đêm, cho đến khi tôi trả lời: Ừm, có lẽ thế thật. Dĩ nhiên không phải là Sigmund Freud nên tôi không thể phân tích đích xác được hình ảnh ấy có ý nghĩa gì, chỉ lý giải được rằng đấy là loại hình ảnh có tính cách khải-thị. Chính vì lý giải được như thế mà, cho dù cơn đói đang hoành hành mãnh liệt đến kỳ dị thế nữa, tôi cũng đã đồng ý gần như tự động cái chủ thuyết (hay tuyên ngôn) của nàng rằng: vì đói mà đi ăn ngoài vào lúc nửa đêm là không ổn.

Chẳng làm sao hơn, hai đứa đành mở bia ra uống vậy. Bởi vì lúc ấy, uống bia còn hơn là ăn hành rất nhiều. Nàng không thích bia mấy nên uống hai lon, còn tôi uống cả bốn lon còn lại. Trong lúc tôi uống bia, nàng như con sóc tháng Mười Một, tẩn mẩn bươi móc cùng khắp các ngăn tủ bếp, cuối cùng lôi ra được đâu bốn miếng bánh bơ khô còn sót lại trong một đáy bao. Mấy miếng bánh nầy còn thừa sau khi được dùng để làm bánh ngọt đông lạnh, nay đã mềm xèo vì ẩm, thế mà cũng được chia hai, nhấm nháp một cách trân trọng.

Nhưng đáng tiếc, trong hai cái bụng đang trống rỗng như bán đảo Sinai hoang liêu nhìn từ trên không xuống, cả bia lẫn bánh khô chẳng ghi lại được dấu vết gì, mà đã nhập chung vào cảnh hoang tàn ấy, thoáng qua rồi biến mất bên ngoài cửa sổ.

Chẳng có gì để làm hơn là đọc những hàng chữ in ngoài mấy lon bia, thỉnh thoảng nhìn lên đồng hồ, nhìn cánh cửa tủ lạnh, đọc lướt qua mấy trang báo chiều hôm qua, hay tẩn mẩn lấy tấm bưu ảnh dồn những vụn bánh rơi rớt trên mặt bàn ăn. Thời gian nặng nề tăm tối như cục chì bị mắc nghẹn trong bụng cá.

"Em bị đói đến mức như thế nầy là lần đầu". Nàng nói. "Không biết có liên quan gì đến chuyện mình mới lấy nhau không nhỉ?"

Tôi nói chẳng biết nữa. Có thể có liên quan mà cũng có thể không.

Trong lúc vợ lục đục mò mẫm khắp trong bếp, cố tìm thêm chút gì ăn được, tôi lại nhoài người ra ngoài mạn thuyền, nhìn xuống đỉnh núi lửa dưới đáy biển. Màu nước biển trong suốt bao quanh thuyền làm tôi cảm thấy vô cùng bất an. Đáy dạ dày tôi như đã mở bung ra một khoảng trống toang hoác, một khoảng trống rỗng, không có đầu vào mà cũng chẳng có đầu ra. Cảm giác kỳ dị trống không trong cơ thể, cảm giác tồn tại của hư không ấy có phần nào tương tự như cảm giác tê liệt vì hoảng sợ khi đang đứng cheo leo trên đỉnh một ngọn tháp cao tít. Tôi phát hiện ra rằng cơn đói có điểm giống với chứng sợ nơi cao.

Đúng vào lúc ấy, tôi chợt nghĩ rằng ngày xưa mình đã có thể-nghiệm tương tự như lần nầy. Lần ấy, tôi cũng đã cảm thấy đói bụng kinh hồn như bây giờ.

"Đấy là lần tập-kích tiệm bánh mì chứ đâu!" Tôi đột ngột vọt miệng ra như thế.

"Tập-kích tiệm bánh mì là chuyện gì thế?" Nàng hỏi ngay lập tức. Và chuyện kể lại lần tập-kích tiệm bánh mì đã bắt đầu như thế.



"Thật lâu trước đây, anh đã có lần tập-kích tiệm bánh mì đấy". Tôi giải thích. "Tiệm bánh mì không lớn gì mấy, mà cũng không nổi tiếng. Chẳng ngon gì lắm, cũng chẳng dở gì lắm. Một tiệm bánh mì bình thường, ở đâu cũng có. Ở ngay giữa một phố buôn bán, ông chủ tiệm một mình nướng và bán bánh. Tiệm nhỏ, hễ bán xong chỗ bánh đã nướng ban sáng là đóng cửa."

"Vì sao lại chọn tiệm bánh mì tầm thường thế?" Nàng hỏi.

"Bởi không cần phải tập-kích tiệm bánh mì lớn làm gì. Bọn anh chỉ cần một lượng bánh mì vừa đủ để qua cơn đói, chứ có phải muốn cướp tiền bạc gì đâu. Bọn anh là dân tập-kích, chứ đâu phải là kẻ cướp."

"Bọn anh à?" Nàng hỏi. "Bọn anh là những ai?"

"Thời ấy, anh có đồng bạn". Tôi giải thích. "Mà đã mười năm trước rồi đấy nhé. Cả hai đứa đều nghèo xơ xác, đến bột-chà-răng cũng không có tiền mua. Tất nhiên, thức ăn thì luôn luôn thiếu hụt. Cho nên thời ấy, để có được thực phẩm, bọn anh đã phải làm đủ thứ chuyện ghê gớm. Tập-kích tiệm bánh mì là một..."

"Khó hiểu thật". Vợ tôi nói, nhìn tôi đăm đăm, mắt nàng như đang truy cầu một ánh sao phai nhạt trong bầu trời đêm. "Tại sao phải làm thế? Sao các anh không chịu làm việc gì đấy đi? Bánh mì thì chỉ cần làm việc một tí là mua được chứ gì. Nghĩ sao đi nữa thì làm thế chẳng đơn giản hơn à? Đâu đến nỗi phải tập-kích tiệm bánh mì?"

"Thì bởi có muốn làm việc đâu". Tôi đáp. "Gì chứ điều đó thì rõ ràng lắm."

"Vậy chứ, bây giờ làm việc đàng hoàng thế nầy kia mà". Vợ tôi nói.

Tôi gật đầu, hớp một ngụm bia, rồi đưa cườm tay lên dụi mắt. Mấy lon bia đã làm tôi hơi buồn ngủ. Như nước bùn nhờ-nhờ đục len lỏi vào trong ý thức, tranh giành với cơn đói.

"Thời đại thay đổi thì không khí thay đổi, mà suy nghĩ của con người cũng thay đổi". Tôi nói. "Mà thôi, mình đi ngủ đi em. Ngày mai lại phải dậy sớm."

"Em chẳng buồn ngủ. Mà muốn nghe chuyện tập-kích tiệm bánh mì kia."

"Chuyện chẳng hay ho gì đâu. Ít nhất thì cũng chẳng hay ho đến như em nghĩ. Mà cũng chẳng có đấm đá xôm trò gì cả đâu."

"Thế rồi tập-kích tiệm bánh mì có thành công không chứ?" Nàng hỏi.

Tôi đành chịu thua, lại mở một lon bia mới. Tính nàng hễ bắt đầu nghe chuyện gì là phải nghe đến kỳ hết mới thôi.

"Nói là thành công cũng đúng, mà nói là không thành công cũng không sai". Tôi đáp. "Kết cuộc, bọn anh đã có được bánh mì như ý muốn, nhưng tập-kích thì thất bại. Bởi vì, bọn anh chưa kịp tập-kích thì ông chủ tiệm đã cho bọn anh rồi."

"Cho không hả anh?"

"Cũng không phải là cho không. Chỗ ấy có hơi phức tạp đấy". Tôi lắc đầu, nói. "Ông chủ tiệm ấy là người mê nhạc cổ điển, đúng lúc ấy trong tiệm đang chơi đĩa khai tấu khúc 2 của Wagner. Ông ấy bảo bọn anh là nếu chịu ngồi yên mà nghe từ đầu đến cuối đĩa nhạc ấy xong thì bánh mì trong tiệm, muốn lấy đi bao nhiêu cũng được. Bọn anh bàn bạc với nhau rồi đi đến kết luận là: gì chứ âm nhạc thì ngồi nghe cũng chả sao. Nghĩ cho cùng thì cũng không phải làm việc gì, mà cũng chẳng phải gây thương tích gì cho ai. Thế là bọn anh nhét dao phay, dao nhỏ vào lại trong bao-hàng-hải, rồi ngồi lên ghế mà cùng với ông chủ tiệm nghe các khai tấu khúc của những nhạc kịch Tannhauser 3 và The Flying Dutchman 4"

"Rồi các anh lấy được bánh chứ?"

"Ừ, bọn anh lấy gần hết bánh mì trong tiệm, tống vào bao mang đi, bốn năm ngày sau mới ăn hết chỗ bánh ấy". Tôi nói, hớp một ngụm bia.

Cơn buồn ngủ, như những đợt sóng thầm lặng phát sinh từ cơn động đất dưới đáy biển, lay nhẹ khoang thuyền của tôi.

"Tất nhiên là đã đạt được mục đích định trước. Nhưng nghĩ thế nào đi nữa thì cũng không thể gọi là một thứ tội-phạm được. Đấy chỉ là một sự trao đổi: bọn anh chịu nghe Wagner, và đổi lại, đã nhận được bánh mì. Trên mặt luật pháp thì chỉ là một cuộc trao đổi hàng hoá dịch vụ thôi."

"Nhưng mà, nghe Wagner có phải là làm việc đâu?" Vợ tôi nói.

"Đúng đấy. Nếu lúc ấy, ông chủ tiệm bánh mì đòi bọn anh phải rửa bát hay lau cửa kính, hẳn là bọn anh đã nhất quyết cự tuyệt và cưỡng đoạt bánh mì rồi. Bởi thế bọn anh rất là bối rối. Chuyện nghe nhạc Wagner ấy tất nhiên là có đứa nào dự tưởng được đâu. Vì thế mà chuyện tập-kích tiệm bánh mì không hiểu là thành công hay thất bại nầy vẫn còn ám ảnh bọn anh như một lời nguyền. Bây giờ nghĩ lại, đáng lẽ bọn anh phải từ chối đề nghị của ông ấy, cứ chiếm đoạt lấy bánh mì cho rồi. Làm được thế thì khỏi có vấn đề gì sau nầy."

"Vấn đề gì thế anh?"

Tôi lại lấy cườm tay dụi mắt, rồi nói:

"À, nó không phải là vấn đề gì cụ thể mà mắt mình thấy rõ ràng được. Chỉ là từ ngày có sự kiện ấy thì nhiều chuyện đã từ từ thay đổi khác đi. Kết cuộc, anh đã trở lại đại học, vô sự mà tốt nghiệp, rồi vừa làm việc ở văn phòng luật, vừa học thi bằng hành nghề luật sư. Rồi quen em và kết hôn. Không còn tập-kích tiệm bánh mì một lần nào nữa."

"Đến đấy là hết à?"

"Ừ, chuyện chỉ có thế thôi." Tôi nói, uống tiếp lon bia đến lúc chỉ còn sáu lon-không. Trong đĩa gạt-tàn-thuốc, sáu khoen nhôm mở từ mấy lon bia trông như những vảy cá rơi rụng từ người-cá.

Dĩ nhiên, thật sự không phải là không có chuyện gì xảy ra sau đó. Cả vài chuyện cụ thể, mắt thấy được cũng đã xảy ra. Nhưng tôi không muốn nàng bận tâm.

"Thế, người bạn của anh bây giờ ra sao rồi?" Nàng hỏi.

"Anh cũng chẳng biết. Sau lần ấy, có chút chuyện làm hai đứa chia tay. Từ đấy không gặp lại lần nào, mà bây giờ làm gì cũng chẳng rõ."

Vợ tôi im lặng một lúc. Có lẽ nàng cảm nhận chút gì không được thông suốt trong giọng điệu của tôi, nhưng không muốn nói ra.

"Nhưng mà, băng của anh đã giải tán vì nguyên nhân trực tiếp là chuyện tập-kích tiệm bánh mì ấy chứ gì?" Nàng hỏi.

"Có lẽ thế. Anh nghĩ là bạn anh bị sốc vì sự kiện ấy nặng hơn là bề ngoài cho thấy. Mấy ngày sau, bọn anh đã bàn nhau về quan hệ hỗ tương giữa bánh mì và Wagner, có phải lựa chọn của mình lúc ấy như thế là đúng hay không. Nhưng chẳng ra được kết luận nào. Nghiêm túc mà nghĩ thì lựa chọn như thế là đúng lắm rồi. Không một ai bị thương tích gì, mỗi bên đều tạm thoả mãn ý nguyện của mình. Phía ông chủ tiệm thì, mặc dù đến bây giờ anh cũng không hiểu sao ông ấy lại làm thế, cũng đã quảng cáo được cho Wagner. Phía bọn anh cũng đã được ăn bánh mì no nê. Vậy mà bọn anh vẫn cảm thấy có sai lầm trọng đại gì đấy. Sai lầm không lý giải được ấy đã ném bóng tối xuống sinh hoạt của bọn anh. Lúc nãy anh nói đến lời nguyền, là vì thế. Đúng là một lời nguyền, không nghi ngờ gì nữa."

"Vậy bây giờ thì lời nguyền đã tiêu đi mất rồi chứ? Cho cả anh lẫn người bạn của anh?"

Tôi nhặt sáu khoen nhôm trong đĩa gạt-tàn-thuốc, sắp lại thành một vòng tròn cỡ một vòng đeo tay.

"Cái đó thì anh cũng không hiểu. Bởi trên đời nầy đầy rẫy vô số những lời nguyền như thế, có chuyện rủi ro nào xảy ra thì cũng chẳng phán đoán được là do lời nguyền nào."

"Không, nói thế không đúng đâu". Nàng nhìn chăm bẳm, sâu vào mắt tôi mà nói. "Nghĩ kỹ thì hiểu được chứ. Và chắc chắn là nếu anh không tự tay mà giải trừ lời nguyền ấy đi thì nó sẽ như sâu răng, tiếp tục làm khổ anh cho đến chết. Mà không chỉ một mình anh khổ, mà sẽ khổ cả em nữa."

"Khổ cả em nữa à?"

"Chứ sao. Bởi bây giờ em là đồng bọn của anh đây mà. Chẳng hạn, ngay bây giờ, chuyện cả anh lẫn em đều đang đói cũng thế. Cho đến khi lấy anh, có bao giờ em bị đói đến kinh khủng như thế nầy đâu. Đói đến mức nầy, anh không cho là dị thường sao? Chắc chắn là lời nguyền trên anh đã lôi cả em vào đấy rồi."

Tôi gật đầu, xoá vòng đeo tay bằng mảnh nhôm, cho chúng vào lại trong đĩa gạt-tàn-thuốc. Chẳng hiểu điều vợ tôi nói có phải là sự thật không, chỉ cảm thấy có lẽ là như thế thật.

Cơn đói tạm thời phiêu du khỏi ý thức một lúc, nay đã trở lại, còn mãnh liệt hơn nữa, đến nỗi ngay giữa bộ não nghe đau kinh khủng. Những quặn thắt ở dạ dày truyền theo dây truyền-động lên đến trung tâm não bộ, ảnh hưởng đến toàn thể thân mình.

Tôi lại nhìn xuống ngọn núi lửa ở đáy biển. Nước biển trông lại càng trong suốt hơn trước bội phần, đến nếu không chú ý nhìn thật kỹ thì tưởng như không có nước biển ở đấy. Cảm thấy như chiếc thuyền treo lơ lửng trong khoảng không, chẳng có gì nâng đỡ lên cả. Từng viên sỏi dưới đáy biển trông rõ mồn một như đang cầm trên tay mình.

"Mới nửa tháng sống chung với anh, mà quả thật em đã cảm nhận được có lời nguyền gì đấy lởn vởn bên mình". Nàng nói, mắt vẫn nhìn tôi đăm đăm, hai bàn tay đan ngón nhau trên mặt bàn. "Tất nhiên là cho đến khi anh nói là lời nguyền, em đã không rõ lắm, nhưng bây giờ thì hiểu rõ ràng, anh đang bị ám ảnh bởi lời nguyền ấy đấy."

"Em cảm thấy lời nguyền ấy như thế nào?" Tôi hỏi.

"Cứ như là tấm màn cửa sổ lâu năm không giặt, bụi bậm bám đầy, treo lòng thòng từ trần nhà xuống đất ấy."

"Thế thì không phải là lời nguyền, mà có vẻ là chính anh đấy." Tôi cười, nói đùa.

Nhưng nàng chẳng cười tí nào.

"Không phải đâu. Em hiểu rõ ràng như thế."

"Cứ giả thử rằng đấy là lời nguyền đúng như em nói, vậy thì anh phải làm gì nào?"

"Phải tập-kích tiệm bánh mì một lần nữa chứ gì. Và ngay bây giờ đây nầy". Nàng quả quyết. "Ngoài cách ấy ra, không còn phương pháp nào để giải trừ lời nguyền nầy cả đâu."

"Ngay bây giờ kia à?" Tôi hỏi lại.

"Vâng, ngay bây giờ. Trong lúc đang còn đói như thế nầy. Chuyện lần trước không làm được ấy, bây giờ phải làm cho xong đi."

"Nhưng mà, khuya khoắt thế nầy liệu có tiệm bánh mì nào còn mở cửa không?"

"Thì phải đi tìm chứ". Nàng nói. "Tokyo là thành phố rộng lớn, thế nào cũng phải có vài tiệm bánh mì mở cửa suốt đêm chứ."

*

Tôi và vợ tôi lên chiếc Toyota Corolla cũ, chạy lang thang trên các phố xá Tokyo lúc 2 giờ rưỡi khuya, đi tìm bóng dáng tiệm bánh mì nào còn mở cửa. Tôi cầm lái, vợ tôi ngồi bên cạnh, đôi mắt sắc bén của loài chim ăn thịt sống quét dọc hai bên đường. Trên băng ghế sau, một thanh Remington, súng săn tự động nằm ngang như con cá khô, ốm dài và cứng đờ. Trong túi áo khoác ngự hàn của nàng, những viên đạn súng săn dự-bị cọ xát vào nhau, vang lên tiếng sột soạt khô khan. Trong ngăn đựng bao tay là hai mặt nạ trượt tuyết màu đen. Lý do nào vợ tôi lại có súng săn thì tôi cũng chẳng biết. Mà cả mặt nạ trượt tuyết cũng thế. Tôi và nàng chưa hề trượt tuyết lần nào cả. Những chuyện như thế, nàng không giải thích chi li, mà tôi cũng không hỏi đến. Chỉ cảm thấy mơ hồ rằng đời sống vợ chồng cũng có chút gì không quen.

Tuy nhiên, dù đã trang bị đến mức có thể nói là toàn bích như thế, chúng tôi vẫn không tìm ra một tiệm bánh mì nào mở cửa suốt đêm cả. Tôi đã cho xe chạy khắp các đường đêm vắng vẻ, từ Yoyogi đến Shinjuku, rồi Yotsuya, Akasaka, Aoyama, Hiroo, Roppongi, Daikanyama, đến tận Shibuya. Khuya Tokyo thấy có đủ loại người và tiệm buôn, nhưng tiệm bánh mì thì không thấy. Người ta không nướng bánh mì lúc đêm khuya.

Dọc đường đã hai lần gặp xe cảnh sát đi tuần. Một chiếc thu mình lặng im bên lề đường, chiếc kia thì tốc độ tương đối chậm rãi, từ phía sau vượt lên khỏi xe tôi. Hai lần ấy, tôi toát mồ hôi rịn ra nơi nách áo, nhưng vợ tôi thì chẳng buồn để ý gì, chỉ chuyên tâm ngóng tìm hình tích một tiệm bánh mì nào còn mở cửa. Mỗi lần nàng xoay người qua lại là mấy viên đạn súng săn trong túi lại sột soạt kêu như vỏ lúa khô chạm nhau.

"Thôi, bỏ cuộc cho rồi". Tôi nói. "Khuya khoắt thế nầy, tiệm bánh mì không mở cửa đâu. Chuyện thế nầy thì phải điều nghiên từ trước mới được chứ..."

"Ngừng lại." Đột nhiên nàng ra lệnh.

Tôi vội vàng đạp thắng xe.

"Chọn chỗ nầy vậy." Nàng từ tốn bảo nhỏ.

Tôi vẫn nắm tay lái, đưa mắt nhìn quanh xem có hình dáng nào ra vẻ là tiệm bánh mì không nhưng chẳng thấy đâu cả. Hàng quán hai bên đường tất cả đều im lìm đóng kín các cánh cửa màu đen. Bảng hiệu của tiệm làm tóc trông như con mắt giả bị vặn vẹo, thả nổi ánh sáng lạnh lẽo lên trên màn đêm. Chỉ có ở khoảng 200 thước phía trước còn thấy được bảng hiệu một tiệm McDonald.

"Có tiệm bánh mì nào ở đây đâu em?" Tôi nói.

Nhưng vợ tôi vẫn im lìm, mở ngăn đựng bao tay trong xe, lôi ra cuộn băng-dán bằng vải rồi mở cửa, bước ra khỏi xe. Tôi cũng mở cửa bước ra theo. Nàng ngồi xuống, chồm hỗm trước mũi xe, xé băng-dán theo từng độ dài thích nghi, dán lên bảng số để khỏi nhận ra số xe. Xong bước ra phía sau xe, dán lên bảng số phía sau. Trông có vẻ quen tay làm sao. Tôi đứng yên, lơ đãng ngắm nàng làm việc.

"Em định làm cái quán McDonald ấy đấy". Nàng nói. Cách nói thản nhiên, nghe cứ như là cho biết tối nay ăn món gì vậy.

"McDonald có phải là tiệm bánh mì đâu." Tôi bàn.

"Thì cũng giống như tiệm bánh mì thôi". Nàng nói, xong vào lại trong xe. "Có lúc cũng phải thoả hiệp chứ. Dù sao, cứ đưa xe đến trước McDonald cho em."

Tôi đành chịu thua, lái xe thêm 200 thước nữa, vào đậu trong bãi đậu xe của McDonald. Trong bãi, chỉ có mỗi một chiếc Bluebird màu đỏ bóng loáng. Vợ tôi ôm cây súng săn quấn trong mền đưa cho tôi.

"Thứ nầy anh chưa lần nào bắn cả, mà cũng không muốn bắn đâu." Tôi kháng nghị.

"Đâu cần phải bắn ai. Chỉ cần nắm trên tay là được rồi. Chả ai kháng cự gì đâu". Vợ tôi bảo. "Đây nhé, anh cứ làm đúng theo lời em: trước hết, mình đường đường đi vào quán. Khi nhân viên nói Chào mừng quý khách đến McDonald là tín hiệu đấy, thì đội ngay mũ trượt tuyết lên che mặt đi. Anh hiểu chứ?"

"Thì hiểu, nhưng mà..."

"Rồi anh kê ngay súng vào người tiếp khách, bắt người ấy gom tất cả nhân viên và khách lại một chỗ. Phải làm cho thật nhanh. Mọi chuyện khác thì em sẽ lo chu đáo cả."

"Nhưng mà..."

"Bánh kẹp thịt bằm hamburger bao nhiêu cái thì đủ?" Nàng hỏi. "Ba mươi cái chắc là đủ chứ gì?"

"Có lẽ." Tôi nói. Rồi thở dài, nhận lấy khẩu súng, giở mền ra một tí. Khẩu súng nặng như một bao cát, đen thui như đêm tối.

"Có thật cần phải làm chuyện nầy không em?" Tôi nói, nửa như hỏi vợ tôi, mà nửa như hỏi chính mình.

"Tất nhiên." Nàng đáp.

*

"Chào mừng quý khách đến McDonald." Cô gái đội mũ McDonald đứng ở quầy nói với tôi, miệng nở nụ cười McDonald. Tôi cứ tưởng là các cô nhỏ không làm việc đêm ở các quán McDonald, nên khi thấy cô nầy, đầu óc có hơi choáng váng một chút, nhưng cũng tỉnh trí ngay, vội tròng lên đầu cái mũ trượt tuyết.

Cô gái đứng ở quầy đột nhiên thấy hai người đội mũ trượt tuyết che cả mặt, đứng sững nhìn chúng tôi. Phải đối ứng ra sao trong tình huống như thế thì chắc là không có ghi trong Cẩm nang Tiếp khách của McDonald. Cô ta định nói tiếp câu "Chào mừng..." nhưng miệng cứng lại không thốt được thành lời. Dù thế, nụ cười nghề nghiệp vẫn hiện ra ở khoé môi, nửa chừng như mảnh trăng mồng ba về sáng.

Tôi định mở mền cho lộ cây súng ra, rồi nhanh chân chạy lại chỗ khách ngồi, càng nhanh càng tốt, thế nhưng trong quán chỉ có mỗi một cặp khách, có vẻ là học trò, mà lại đang gục mặt xuống bàn bằng nhựa, ngủ say sưa. Trên mặt bàn, hai mái đầu bên cạnh hai cốc nước dâu xóc Strawberry Shake sắp hàng tề chỉnh cứ như là hình mẫu để vẽ tranh tiền-vệ. Hai người khách đang say ngủ như chết nên có để mặc họ cũng không trở ngại gì cho công chuyện của chúng tôi. Tôi hướng mũi súng vào trong quầy.

Nhân viên trong quán có tất cả là ba người. Cô đứng ở quầy, một người đàn ông cỡ nửa sau của tuổi 20, khuôn mặt thiếu máu hình trứng, có vẻ là quán trưởng, và một tay học trò làm thêm, mặt không lộ vẻ gì rõ ràng, như một cái bóng trong bếp. Ba người gom lại trước máy thu tiền, nhìn mũi súng trên tay tôi với mắt nhìn của du khách đang ngắm cái giếng Inca. Chẳng ai la hét gì, mà cũng chẳng ai nhào đến giành giật gì. Cây súng nặng quá nên ngón tay vẫn hờm sẵn cò súng, tôi gác nòng súng lên máy thu tiền.

"Tiền thì cứ lấy đi." Quán trưởng nói với giọng khàn khàn. "Hồi 11 giờ đã gom đi rồi nên bây giờ cũng không còn bao nhiêu, nhưng xin cứ lấy cả đi. Có bảo hiểm nên chẳng sao cả."

""Đóng cửa trước xuống, tắt đèn trên bảng hiệu đi." Vợ tôi ra lệnh.

"Khoan đã". Quán trưởng nói. "Làm thế phiền lắm. Đóng cửa quán thình lình thế thì là trách nhiệm của tôi..."

Vợ tôi dằn từng tiếng, lặp lại mệnh lệnh ấy. Thấy quán trưởng ngần ngừ, tôi bảo:

"Làm đúng theo lệnh ấy thì tốt hơn."

Quán trưởng nhìn mũi súng đang gác lên máy thu tiền, nhìn mặt nạ của vợ tôi, như cân nhắc gì đấy một lúc, sau cùng chịu thua, đành tắt đèn bảng hiệu, và bấm nút đóng cửa trước xuống. Tôi cảnh giác rằng anh ta có thể lợi dụng lúc chộn rộn để bấm nút báo động khẩn cấp, nhưng có vẻ hệ thống báo động ấy không được gắn ở các quán McDonald trong vùng nầy. Có lẽ chẳng ai nghĩ quán bán bánh kẹp thịt bằm mà lại có ngày bị tập-kích.

Cửa kéo phía trước đóng xuống nghe ồn như lấy chày đánh vào thùng thiếc thế mà cặp khách vẫn tiếp tục ngủ mê man. Ngủ say được đến thế thì bao lâu nay tôi chưa làm được lần nào.

"Làm 30 cái Big Mac, gói mang đi." Vợ tôi lại ra lệnh.

"Xin cứ lấy tiền đi rồi đến quán khác mà mua, hộ tôi đi." Quán trưởng năn nỉ. "Sổ sách sẽ rất là phiền phức cho tôi. Bởi vì..."

Tôi lại phải bảo anh ta:

"Làm đúng theo lệnh ấy thì tốt hơn."

Ba người theo nhau vào trong bếp, bắt đầu làm 30 cái Big Mac. Cậu học trò làm thêm thì chiên thịt bằm, quán trưởng kẹp thịt nướng vào bánh, xong cô gái gói bánh vào bao giấy màu trắng. Chẳng ai nói một lời nào. Tôi dựa người vào cái tủ lạnh to tướng, gác mũi súng lên tấm sắt nướng thịt. Từ những khuôn thịt bằm màu nâu điểm vân mỡ trắng tròn, sắp hàng trên tấm sắt, vang lên tiếng xì xèo. Mùi thơm ngọt ngào của thịt nướng, như từng đám côn trùng vi ti mắt không thấy được, chui tọt vào các lỗ chân lông trên toàn thân tôi, luồn theo máu mà bò đi khắp người tôi. Và cuối cùng tập kết ở khoảng trống rỗng do cơn đói tạo ra ở ngay giữa thân thể tôi, bám chặt vào bức vách màu thịt hồng của khoảng trống ấy.

Nhìn những chiếc bánh kẹp thịt bằm được bao vào giấy trắng, xếp chồng lên nhau, tôi chỉ muốn vồ lấy một hai cái mà nhai ngấu nghiến, nhưng làm thế có thích hợp với mục đích, ý nghĩa của tụi tôi không thì tôi không đoan chắc được, nên đành bóp bụng mà chờ từng chiếc, từng chiếc bánh kẹp thịt bằm chiên lên và sắp xếp cho đủ 30 chiếc. Trong bếp nóng hầm hập, dưới lớp mũ trượt tuyết bao mặt, mồ hôi tôi chảy ràn rụa.

Ba người vừa chiên thịt, gói bánh, vừa lấm lét nhìn mũi súng. Tôi thỉnh thoảng lại đưa ngón tay út của bàn tay trái lên gãi tai. Tôi hay bị ngứa tai khi bối rối. Những lúc ngón tay tôi thọc vào lỗ tai qua lớp len mũ trượt tuyết, nòng súng lại động đậy khiến họ lo lắng. Súng không thể nổ bất ngờ được, vì tôi đã khoá an toàn, nhưng họ không biết thế, và tôi cũng không thấy cần phải cho họ biết.

Vợ tôi vừa trông chừng cặp khách đang ngủ say, vừa nhẩm đếm số bánh. Nàng cẩn thận đặt những cái bánh đã làm xong vào hai túi lớn bằng giấy có quai xách. Lúc nầy một túi đã đầy 15 cái bánh.

"Tại sao phải làm thế?" Cô gái hỏi tôi. "Sao không lấy tiền quách đi rồi mua thứ gì như ý muốn? Ăn đến ba chục cái Big Mac để làm gì chứ?"

Tôi chỉ biết lắc đầu. Vợ tôi giải thích: "Xin lỗi nhé. Chẳng có tiệm bánh mì nào mở cửa giờ nầy, chứ nếu có thì tụi nầy đã tập kích tiệm bánh mì rồi."

Tôi hoàn toàn không nghĩ là lời giải thích ấy giúp được chút nào cho việc lý giải trạng huống hiện tại. Nhưng họ không hỏi thêm điều gì, chỉ âm thầm nướng thịt, kẹp vào bánh, gói bánh vào bao giấy. Sau khi cả hai túi xách đã có đủ 30 cái bánh, vợ tôi bảo cô ta rót cho hai ly Cola lớn, và trả tiền hai ly ấy.

"Tụi nầy chỉ cướp bánh thôi, chứ không gì khác." Nàng bảo. Cô gái phản ứng với một động tác phức tạp, nửa như gật đầu, nửa như lắc đầu. Có lẽ cô định làm cả hai cùng lúc. Tôi nghĩ là tôi có thể hiểu được tâm tình ấy.

Vợ tôi lấy trong túi áo ra một cuộn dây sợi nhỏ dùng để cột bao hàng — nàng lúc nào cũng chuẩn bị kỹ lưỡng — trói cả ba người vào cây cột, khéo léo quen thuộc như là đang đơm khuy vào áo. Có vẻ họ đã hiểu là có nói gì cũng vô ích thôi, nên im lìm để mặc vợ tôi muốn làm gì thì làm. Nàng hỏi có đau vì dây buộc chặt quá không, hay có ai muốn đi vệ sinh không, nhưng chẳng ai nói gì. Tôi phủ mền lên khẩu súng, vợ tôi xách hai túi bánh có nhãn hiệu McDonald, giở cửa trước lên chui ra khỏi tiệm. Cặp khách vẫn còn gục ngủ say sưa trên bàn như một cặp cá biển khơi. Không biết phải làm gì mới đánh thức họ dậy từ giấc ngủ say đến thế được?

Chúng tôi chạy xe chừng nửa giờ, thấy có bãi đậu xe bên cạnh một toà nhà, bèn cho xe vào đấy. Ăn bánh và uống Cola tận tình. Tôi ngốn hết sáu cái Big Mac, vợ ăn bốn. Vẫn còn lại 20 cái Big Mac trên ghế sau. Đến lúc mặt trời mọc thì cơn đói trước đấy tưởng chừng kéo dài vô tận, biến tan mất. Ánh mặt trời đầu tiên trong ngày nhuộm lên những vách tường dơ bẩn của toà nhà một màu tím nhạt, làm nổi bật lên ngọn tháp quảng cáo khổng lồ có hàng chữ SONY BETA chói sáng đến nhức mắt. Và rồi, vang ầm lên tiếng bánh xe tải nặng trên xa lộ lẫn với tiếng chim ríu rít. Đài phát thanh Quân đội Mỹ chơi nhạc cao-bồi. Hai đứa chia nhau điếu thuốc, xong nàng ngã đầu lên vai tôi.

"Anh vẫn không hiểu có thật mình cần phải làm chuyện nầy không." Tôi lại gượng hỏi vợ.

"Tất nhiên là cần chứ!" Nàng đáp. Rồi thở ra một hơi thật dài, và tựa vào tôi mà ngủ. Người nàng mềm mại và nhẹ êm như con mèo.

Còn lại một mình, tôi nhoài người ra khỏi mạn thuyền, nhìn xuống đáy biển. Ngọn núi lửa đã biến đâu mất. Mặt nước êm đềm phản chiếu màu trời xanh lơ. Vài đợt sóng nhỏ nhẹ ve vuốt mạn thuyền, như tà áo lụa phất phơ theo gió nhẹ.

Tôi nằm dài trong lòng thuyền, nhắm mắt lại, chờ cho thủy triều dâng lên cuốn đi đến bờ bến nào phải đến.

Dịch xong 06-2004
Về Đầu Trang Go down
https://vcdk08.forumvi.com
 

TÁI TẬP KÍCH TIỆM BÁNH MỲ - Murakami

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DÒNG SÔNG TRI THỨC :: VCDK08 ONLINE :: Tư liệu văn học :: Tác phẩm văn học-
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất